Kết thúc cuộc Chiến tranh Thần Thánh (347–346 TCN) Sự bành trướng của Macedonia dưới triều đại Philippos II

Vị chính trị gia người Athen tên là Philocrates đã đề xuất nghị hòa với Philippos vào năm 348 TCN trong lúc cuộc chiến tranh Olynthos đang diễn ra.[127] Tuy nhiên, hội đồng Athen đã bác bỏ hoàn toàn đề xuất này bằng việc đưa Philocrates ra xét xử và cho tới lúc ông ta được chứng minh vô tội thì đã là quá muộn để có thể cứu Olynthos.[127] Vì vậy cuộc chiến tranh giữa Athens và Philip đã tiếp tục cho tới năm 347 TCN cũng như là cuộc Chiến tranh Thần Thánh.[127] Năm 347 TCN, Philippos đã phái các tàu lùng tấn công những thuộc địa của người Athens trên các hòn đảo ở biển Aegea.[8][128] Trong khi đó, rõ ràng là cuộc Chiến tranh Thần Thánh chỉ có thể kết thúc nếu như có sự can thiệp đến từ bên ngoài.[129] Người Phocis đã chiếm đóng một vài thành phố của người Boeotia thế nhưng họ lại đang hết tiền để trả lương cho lính đánh thuê của mình; ngược lại, người Thebes cũng không thể chống lại người Phocis một cách hiệu quả.[129] Vị tướng người Phocis là Phalaikos đã bị bãi chức vào năm 347 TCN, và ba vị tướng mới được bổ nhiệm đã một lần nữa thành công khi tấn công Boeotia.[128] Người Thebes đã kêu gọi Philippos giúp đỡ và ông phái một lực lượng nhỏ tới giúp họ.[129] Philippos đã phái một đạo quân đủ để tuân thủ giao kèo liên minh của mình với Thebes nhưng lại không đủ để có thể kết thúc chiến tranh— ông muốn có được vinh dự khi là người chấm dứt cuộc chiến tranh theo cách của ông chọn và theo các điều khoản của mình.[128][129]

Bức tượng bán thân của Archidamos III đến từ Điền Trang Giấy Cói nằm ở Herculaneum, ngày nay nó nằm tại Bảo tàng khảo cổ học quốc gia Naples

Vào đầu năm 346 TCN, Philippos giả vờ để lộ rằng ông dự định tiến quân về phía nam cùng với người Thessaly, mặc dù vậy lại không rõ là tiến đến nơi nào hoặc lý do tại sao.[129] Do đó người Phocis đã lên kế hoạch phòng thủ Thermopylae và yêu cầu sự trợ giúp từ người Sparta cùng người Athen, nó có thể đã diễn ra vào khoảng ngày 14 tháng 2.[129] Người Sparta đã cử Archidamos III cùng 1000 hoplite, còn người Athen ra lệnh rằng tất cả những ai dưới 40 tuổi và có đủ điều kiện để phụng vụ trong quân đội thì sẽ được phái tới trợ giúp người Phocis.[129] Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ lúc người Phocis kêu gọi sự giúp đỡ cho tới cuối tháng, tất cả các kế hoạch đã bị đảo lộn bởi sự trở lại nắm quyền ở Phocis của Phalaikos; người Athen và người Sparta sau đó nhận được tin báo rằng họ sẽ không được phép phòng thủ Thermopylae.[129] Các nguồn cổ đại ghi chép không rõ ràng về việc tại sao Phalaikos lại trở lại nắm quyền hoặc lý do tại sao ông ta lại áp dụng sự thay đổi chính sách đột ngột này. Cawkwell đưa ra giả thuyết dựa trên các lời bình luận của Aeschines đó là quân đội Phocis đã khôi phục lại chức vị cho Phalaikos bởi vì họ đã không được trả lương một cách thích đáng và hơn nữa sau khi Phalaikos nhận ra rằng không còn khả năng trả lương cho quân đội được nữa và người Phocis cũng không còn hy vọng để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, ông ta đã cố gắng đàm phán một hiệp ước hòa bình với Philippos.[130]

Hòa ước với Athens

Bài chi tiết: Hòa ước Philocrates

Khi người Athen nhận được tin này, họ đã thay đổi chính sách nhanh chóng. Nếu Thermopylae không còn có thể phòng thủ được nữa thì khi đó sự an toàn của Athen cũng không còn được đảm bảo nữa.[130] Vào cuối tháng Hai, người Athen đã phái một đoàn sứ thần bao gồm Philocrates, Demosthenes và Aeschines tới chỗ Philippos để thảo luận về hòa bình giữa Athens và Macedonia.[130] Đoàn sứ thần đã hội kiến hai lần với Philippos và trong các cuộc gặp này mỗi bên đã lần lượt trình bày các đề xuất của họ đối với các điều khoản của hiệp ước hòa bình. Đoàn sứ thần này sau đó đã quay trở về Athens để trình bày các điều khoản dự kiến cho hội đồng Athen, ngoài ra đi cùng với họ còn có một đoàn sứ thần của Macedonia được cử tới Athens và Philipppos đã cho phép đoàn sứ thần của ông có quyền thông qua một hiệp ước.[131] Người Athen đã tranh cãi về hiệp ước hòa bình trong tháng Tư và cố gắng đề xuất một hòa ước chung mà trong đó tất cả các thành bang Hy Lạp đều có thể tham gia (bao gồm cả người Phocis). Tuy nhiên, Demosthenes (vào thời điểm này là người hăng hái ủng hộ cho hòa bình) đã thuyết phục Hội đồng rằng Philippos sẽ không bao giờ chấp nhận một hòa ước như vậy và Athens lúc này đang nằm ở thế yếu và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các điều khoản của Philippos.[131] Vào ngày 23 tháng Tư, người Athen đã tuyên thệ các điều khoản của hiệp ước hòa bình dưới sự chứng kiến của các đại sứ Macedonia, ngày nay nó được biết đến với tên gọi là Hòa ước Philocrates.[131] Theo các điều khoản chính của hiệp ước này thì Athens sẽ trở thành đồng minh của Philippos và họ sẽ vĩnh viễn từ bỏ yêu sách của mình đối với Amphipolis.[131]

Chấm dứt sự độc lập của người Thraci

Sau sự kiện đoàn sứ thần Athen đầu tiên tới Macedonia, Philippos đã tiến hành chiến dịch chống lại Kersebleptes. Chi tiết về chiến dịch này thì lại ít ỏi nhưng dường như Philippos đã dễ dàng chiếm được kho báu của người Thraci nằm trên "Ngọn Núi Thiêng".[57] Tiếp đó, thay vì lật đổ Kersebleptes, ông đã biến ông ta trở thành một đồng minh lệ thuộc giống như người em trai Amadokos của ông này.[57]

Sự giải quyết của Cuộc Chiến tranh Thần Thánh

Sau khi đồng ý những điều khoản hòa bình với các sứ thần Macedonia vào tháng Tư, người Athen đã cử một đoàn sứ thần thứ hai tới Macedonia để ghi chép lại các lời tuyên thệ hòa bình của Philippos.[132] Khi họ đến nơi, những sứ thần Athen (một lần nữa bao gồm cả Demosthenes và Aeschines) đã phần nào bị ngạc nhiên khi thấy các phái đoàn sứ thần đến từ tất cả các phe tham chiến chính trong cuộc chiến tranh Thần Thánh đều có mặt để nhằm thảo luận về cách giải quyết cho cuộc chiến tranh này.[133] Khi Philippos quay trở về từ Thrace, ông đã tiếp đón toàn bộ các phái đoàn sứ thần này.[133] Người Thebes và Thessaly thỉnh cầu ông nắm quyền lãnh đạo của Hy Lạp và trừng phạt người Phocis; ngược lại, người Phocis thì lại được người Sparta và đoàn sứ thần Athen ủng hộ, họ đã cầu xin Philippos không tấn công Phocis.[133] Tuy nhiên, Philippos đã trì hoãn và không đưa ra bất cứ quyết định nào; "[ông] tìm mọi cách để không tiết lộ cái cách mà ông định giải quyết mọi thứ; cả hai phe đều được khuyến khích một cách bí mật để hi vọng rằng ông sẽ thực hiện như họ mong muốn, nhưng đồng thời cả hai phe đều bị cấm không được phép chuẩn bị cho chiến tranh; một giao ước dàn xếp hòa bình đã nằm trong tầm tay"; Ông cũng trì hoãn việc tuyên thệ đối với Hòa ước Philocrates.[134] Các công tác chuẩn bị cho hoạt động quân sự cũng diễn ra ở Pella trong giai đoạn này thế nhưng Philippos lại nói với các sứ thần rằng họ đang định tiến hành chiến dịch chống lại Halos, một thành phố nhỏ của người Thessaly chống lại ông.[134] Ông sau đó đã tiến quân tới Halos trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, điều này buộc đoàn sứ thần của Athen phải đi cùnhg với ông và chỉ tới khi họ đặt chân tới Pherae thì Philippos mới tuyên thệ, sau đó đoàn sứ thần Athen đã quay trở về quê nhà.[134]

Đến lúc này Philippos mới tung ra đòn kết liễu. Ông đã khiến cho người Athen và những người Hy Lạp khác tin rằng ông và quân đội của mình đang tiến đến Halos, nhưng dường như chắc chắn rằng ông đã phái các đơn vị khác thẳng tiến tới Thermopylae.[134] Toàn bộ miền trung và miền nam Hy Lạp lúc này phụ thuộc vào sự định đoạt của Philippos,[135] và người Athen lúc này cũng không còn có thể cứu nguy cho Phocis được nữa ngay cả khi họ xóa bỏ hòa ước.[136] Philippos chắc chắn đã có thể nêu ra các điều khoản cho việc kết thúc cuộc Chiến tranh Thần Thánh, bởi vì lúc này ông có thể sử dụng vũ lực để chống lại bất cứ thành bang nào mà không chấp nhận sự phân xử của mình. Ông đã bắt đầu bằng một thỏa thuận đình chiến với Phalaikos vào ngày 19 Tháng 7; Phalaikos đã giao nộp Phocis cho ông và đổi lại ông ta được phép rời đi cùng với những người lính đánh thuê của mình tới bất cứ nơi nào mà mình muốn.[135][137] Philippos tiếp đó tuyên bố rằng số phận của Phocis sẽ không được quyết định bởi ông mà là bởi hội đồng của Đại nghị liên minh. Tuy nhiên, một điều rõ ràng rằng Philippos mới là người đứng sau các điều khoản này;[138][139] điều này khiến cho Đại nghị liên minh mới là những người chịu trách nhiệm chính thức và giúp cho ông không bị dính líu tới các điều khoản trong tương lai.[138]

Một đồng tiền vàng nửa stater thuộc về Philippos II của Macedonia được đúc tại Pella cùng với phần đầu của thần Heracles đang khoác bộ da của con sư tử Nemean trên mặt phải và bên mặt trái là phần đầu của con sư tử

Để đền đáp cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh này, Macedonia đã trở thành một thành viên của hội đồng Đại nghị liên minh và được trao hai phiếu bầu mà bị tước từ tay của người Phocis.[140] Đây là một thời điểm quan trọng đối với Philippos bởi vì quyền thành viên của Đại nghị liên minh có nghĩa rằng Macedonia lúc này không còn là một quốc gia 'man rợ' trong con mắt của người Hy Lạp nữa.[141] Các điều khoản áp đặt đối với Phocis là khắc nghiệt nhưng thực tế thì Philippos không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt những sự trừng phạt này; ông cần sự ủng hộ của người Thessaly (kẻ thù không đội trời chung với người Phocis) và không thể mạo hiểm đánh mất uy tín mà ông đã giành được nhờ cách cư xử sùng đạo của mình trong cuộc chiến tranh này.[135][142] Ngoài việc bị trục xuất khỏi hội đồng Đại nghị Liên minh, toàn bộ các thành phố của người Phocis sẽ bị phá hủy và người Phocis được định cư trong 'các ngôi làng' có không quá 50 ngôi nhà; số tiền bị đánh cắp từ ngôi đền sẽ được hoàn trả ở mức 60 talent mỗi năm;[139] Tuy vậy người Phocis đã không bị xóa xổ và họ đã giữ được đất đai của mình.[140] Về phần người Athen, do họ đã giảng hòa với Philippos cho nên họ đã không bị Đại nghị liên minh trừng phạt, còn người Sparta dường như cũng đã nhẹ nhàng thoát tội.[b][143] Philippos đã chủ trì lễ hội của Đại nghị liên minh vào mùa thu và sau đó khiến cho phần lớn người Hy Lạp bị bất ngờ khi ông quay trở về Macedonia và không quay trở lại Hy Lạp trong suốt 7 năm. Tuy nhiên, ông vẫn nắm giữ cửa ngõ dẫn tới Thermopylae bằng việc cho các binh sĩ người Thessaly đồn trú thị trấn Nicaea nằm ngay gần đó.[143]

Tổng kết tới năm 346 TCN

Năm 346 TCN là một năm đáng nhớ khác đối với Philippos. Các thành bang Hy Lạp trước đó đã kiệt sức vì chiến tranh và do đó Philippos là thế lực duy nhất có đủ khả năng để chấm dứt cuộc Chiến tranh Thần Thánh.[129] Cuối cùng, một khi đã kiểm soát được Thermopylae, sức mạnh quân sự này cho phép ông giải quyết cuộc chiến tranh này bằng cách đe dọa bằng vũ lực.[136][144] Philippos chắc chắc đã định giải quyết cuộc chiến tranh này thậm chí ngay cả khi trước khi người Thessaly và người Thebes thỉnh cầu ông làm như vậy, các điều khoản để chấm dứt cuộc chiến tranh này cũng như một hòa ước riêng biệt với Athens có lẽ phần nhiều đúng như những gì ông mong muốn;[145] Với tư cách là một thành viên của Đại nghị Liên minh, Philippos lúc này đã chính thức là một người Hy Lạp "đích thực" và nhờ vào uy tín mà ông có được khi hành xử một cách sùng đạo thay mặt thần Apollo, và cũng nhờ vào sức mạnh quân sự của mình, lúc này đây ông là nhà lãnh đạo thực quyền của liên minh các thành bang Hy Lạp.[141][143][146] Simon Hornblower cho rằng Philippos là người duy nhất thực sự chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Thần Thánh.[141] Hơn nữa, sự thống trị của Philippos ở miền Bắc Hy Lạp và phía bắc biển Aegea gần như đã hoàn tất sau chiến thắng của ông trong cuộc chiến tranh Olynthos và sự quy phục của Kersebleptes. Diodoros tổng kết lại những thành tựu của Philippos trong năm 346 TCN như sau:

Philippos đã quay trở về Macedonia, ngoài việc giành được danh tiếng nhờ vào lòng mộ đạo và tài năng quân sự tuyệt vời của mình, ông cũng đã có được những bước chuẩn bị quan trọng cho sự gia tăng quyền lực mà đã được định sẵn cho ông. Bởi vì ông muốn được tôn lên làm tổng tư lệnh của Hy Lạp và tiến hành chiến tranh chống lại người Ba Tư.

Các sử gia đã có nhiều cuộc tranh luận về động cơ và mục đích của Philippos vào năm 346 TCN, đặc biệt là liên quan đến Athens. Mặc dù Philippos đã giảng hòa và liên minh với Athens trước khi ông tiến hành giải quyết cuộc chiến tranh Thần Thánh, họ đã không gửi quân tiếp viện cho ông theo các điều khoản của hiệp ước khi ông yêu cầu họ.[148] Mặc dù Philppos cũng không thực sự cần đến những binh sĩ này, nhưng việc người Athen không tôn trọng các điều ước đã cho phép Philippos có được lý do chính đáng để gây chiến.[148] Tuy nhiên, ngay cả khi đã nắm giữ được Thermopylae, ông đã không có bất cứ động thái thù địch nào đối với Athens và vẫn ngăn cản bất cứ sự trừng phạt naò được hội đồng Đại nghị Liên minh áp đặt đối với Athens.[148] Lý do nào đã khiến cho Philippos lại khoan dung đến như vậy đối với Athens? Cawkwell đề xuất rằng Philippos đã bắt đầu dự định tiến hành một chiến dịch chống lại Ba Tư vào năm 346 TCN (theo như Diodoros đề xuất), mục đích của ông là muốn lợi dụng lực lượng hải quân hùng mạnh của Athens, do đó ông đã đề nghị liên minh và tỏ ra kiên nhẫn với Athens.[148] Điều này có thể cũng dẫn đến một cách giải thích khác cho việc Philippos lợi dụng hội đồng Đại nghị liên minh để chính thức giải quyết cuộc Chiến tranh Thần Thánh; Ngoài ra nếu như ông tiến hành chiến dịch ở châu Á thì ông cần phải khiến cho Hy Lạp hòa bình trước và một nền hòa bình được một tổ chức toàn Hy Lạp áp đặt (mà phía sau nó là mối đe dọa từ sự can thiệp của người Macedonia) có khả năng thành công cao hơn so với nền hòa bình bị áp đặt bởi Macedonia.[148]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự bành trướng của Macedonia dưới triều đại Philippos II http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per...